Phòng locker của hãng cũng là phòng break, phòng này rộng, những chiếc ghế dài kê giữa hai dãy locker toàn là người Việt Nam. Chỉ nghỉ có 15 phút mà sôi động đủ thứ chuyện vặt, về chồng con, hàng xóm và nói xấu lẫn nhau.
Tôi đang ngồi say sưa hóng hớt chuyện nói xấu kẻ khác, thỉnh thoảng không quên đóng góp thêm mắm thêm muối vào vài câu cho thêm phần hấp dẫn thì có người khều vai:
- Ê, nhờ chút coi!
Chị Lộc xà đến, mặt nhăn nhó:
- Ðau mình đau mẩy quá, cạo gió giùm tao để còn lấy sức vô làm tiếp.
Dù đang bận tham gia vào câu chuyện đang đến lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi vẫn xăng xái:
- Có ngay, để em lấy đồ nghề.
Locker của tôi ngay cạnh đó, bên trong luôn có sẵn một giỏ đựng đủ thứ đồ nghề cấp cứu: mấy viên thuốc nhức đầu, thuốc giảm đau, và chai dầu gió. Dần dần bà con coi tôi như bác sĩ gia đình hồi nào không hay. Ai có đau nhức gì đều hỏi xin thuốc hay nhờ cạo gió.
Công việc trong hãng khá vất vả nên đau tay, mỏi vai là chuyện mỗi ngày, tụi Mỹ đen, Mỹ trắng vào làm và nghỉ làm thường xuyên như đi chợ, vì chán, không chịu nổi, nhưng hầu như chẳng người Việt Nam nào có ý định bỏ việc cả, mà ngược lại, càng ngày càng đông, họ cần cù, chịu khó, biết người biết ta, để kiếm tiền, để cuộc sống ổn định. Cho nên cứ thấy hãng xưởng nào đông người Việt Nam thì biết ngay công việc nơi đó hoặc vất vả hoặc đồng lương rẻ mạt, họ đỡ phải cạnh tranh với dân bản xứ. Ai chán thì cứ đi, Việt Nam ta vẫn ở lại, với những người tiếng Anh tiếng u nửa vời cỡ như tôi, tài cán gì mà bon chen cho mệt.
Chị Lộc đã tốc áo lên, phơi cả tấm lưng ra, sẵn sàng cho tôi cạo gió.
Tôi bôi dầu một cách điệu nghệ và cạo tới đâu “gió” nổi lên tới đó, mấy bà ngồi bên xuýt xoa:
- Bà Lộc trúng gió rồi!
- Ráng chịu đau một chút là khỏe liền.
Tôi đang “hành nghề” thì một cô Mỹ đi tới, nó ngồi tuốt đằng xa, chắc thấy bọn tôi chụm lại ồn ào nên tò mò đến xem và ngạc nhiên hỏi một tràng. Tôi đoán chừng và trả lời ngay bằng tiếng Anh ESL ba chớp ba nháng của mình:
- She is sick, me “cạo gió”, she no more sick.
Và tôi chỉ vào tấm lưng đỏ ửng của Lộc, diễn giải thêm:
- This is “cạo gió”.
Thấy vẻ mặt cô Mỹ vẫn còn ngơ ngác, một chị tên Linh nói khá tiếng Anh bèn trình bày là Lộc bị cảm và tôi đang làm công việc gọi là cạo gió, sẽ làm cho Lộc thấy tốt hơn, thì cô Mỹ mới bỏ đi. Thì ra cô Mỹ tưởng tôi đang làm đau Lộc. Chắc cô Mỹ này mới vô làm, chứ những người Mỹ làm ở đây lâu, họ cũng rành chuyện người Việt Nam cạo gió cho nhau rồi.
Chị Linh quay ra nói với tôi:
- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cạo gió trong hãng kín đáo hơn một chút, tuy là thói quen của người Việt Nam, nhưng người Mỹ nhìn vào bằng cách khác, có vẻ như không tốt cho chúng ta, khi mà ở ngay nơi chốn công cộng đông người lại tốc áo hở lưng thế kia.
Tôi lẩm bẩm với vẻ bực mình:
- Quyền tự do dân chủ của mỗi người, tôi chỉ giúp đỡ người khác chứ có hại ai đâu.
Chị Linh bỏ đi, tôi tức điên cả ruột mà không làm gì được. Hôm nay là ngày gì mà xui thế? Lúc nãy ăn "lunch" xong, tôi đang rửa bát trong bồn rửa tay, đã bị một bà Việt Nam phê bình rồi, bà ta bảo:
- Ðây đâu phải chỗ nhà bếp của chị mà rửa bát với đũa?
Nói xong bà ta ngoe nguẩy bỏ đi, không thèm đứng lại cho tôi cãi cố lấy một câu.
Sao lại có người lắm chuyện đến thế? Tôi rửa bát trong hãng là để tiết kiệm thời gian, lát về nhà khỏi phải rửa, và nhân thể tiết kiệm nước. Thật sung sướng khi nước nóng, nước lạnh mở thoải mái để rửa bát, tráng bát năm lần bảy lượt mà không lo đến cái "bill" nước như ở nhà mình, nhưng tôi xài nước trong hãng, hao tốn nước trong hãng chứ có hao tốn nước của nhà bà ấy đâu mà bà xót ruột, xía vào? Ai bảo "sĩ diện" không chịu bắt chước bọn tôi, rồi ghen tức lên? Mà nhiều người Việt Nam khác cũng làm thế, chứ có một mình tôi đâu? Các bà rửa bát, đũa, thìa, xong còn lấy một đống giấy "napkin" của hãng, lau khô từng món một trước khi cất vào giỏ.
Thỉnh thoảng có bà sơ xuất để sót lại vài hột cơm trong "sink", là đám rửa bát chúng tôi lại bị những người Việt Nam khác nhìn bằng ánh mắt nửa lên án, nửa trách móc, có người còn nói xa nói gần là làm mất thẩm mỹ nơi công cộng, làm họ xấu hổ lây vì cùng là người Việt Nam. Tôi không thèm chấp với những người nhỏ nhặt, ích kỷ đó, cứ để ý từng cử chỉ, hành động của đồng hương mà phê bình, lên mặt dạy đời.
Sang Mỹ được 3 năm, nơi nào có người Việt Nam đông là nơi ấy tôi thấy thoải mái quá chừng, thí dụ như đi chợ Việt Nam, bãi đậu xe hay trước cửa chợ lúc nào chả có rác và những mảnh báo cũ bay phất phơ trong gió đến là vui mắt, nên tôi cũng cho quyền mình được thoải mái xả rác theo, chứ không như những nơi công cộng của Mỹ, cái miếng giấy nhỏ xíu bọc miếng gum, tôi cũng phải ráng giữ trong tay cho đến khi tìm được thùng rác.
Ði bác sĩ Mỹ cũng vậy, phải đúng hẹn, bác sĩ Việt Nam thì có hẹn cũng như không, ai đến ghi tên trước thì được gọi vào trước, vậy mà cũng bày đặt bắt người ta phải lấy hẹn. Hẹn một đằng làm một nẻo, hình như người Việt Nam mình quen với những chuyện bất bình thường từ đời kiếp nào rồi, nên chẳng ai buồn thắc mắc.
Rút kinh nghiệm, tôi luôn đi sớm hơn giờ đã hẹn và qua mặt luôn mấy ông già bà cả đến đúng hẹn đang lù khù ngồi chờ đợi dài cả cổ. Mấy ông bà già đó có thẻ bảo hiểm miễn phí, nên chỉ hơi thấy mình mẩy đau nhức, hay sổ mũi nhức đầu là thoải mái lấy hẹn đi bác sĩ cho khỏi uổng phí cái thẻ mà xã hội ban cho, thuốc uống không hết thì để dành cho con cháu dùng ké hay gom lại gởi về Việt Nam làm quà vô cùng quý hóa. Tuy đợi, nhưng họ không để hoang phí thì giờ, họ bắt chuyện để nói với nhau rổn rảng trong phòng đợi, ông ngồi ở một góc đầu phòng nói vọng tới bà đang ngồi tận cuối phòng, nên cả phòng đợi coi như đang hội họp, đề tài thường là than thở ốm đau, bệnh tật, về con cháu, về những kỷ niệm quê nhà ngày xưa.
Dù bất cứ đề tài nào, bất kể tuổi tác, bất kể trình độ, tôi cũng hăng hái xía vào câu chuyện cho đến khi được gọi vào khám bệnh trước họ.
Tôi lấy "vacation" đi California chơi một tuần theo lời mời của người chị họ. Vừa bước xuống phi trường John Wayne, tôi đã cảm nhận ngay bầu không khí trong lành, mát mẻ, những cây cọ, cây dừa dọc theo đường phố đã tạo nên một vẻ đẹp riêng của thành phố có biển.
Cuối tháng Mười, chanh, cam chín đầy cành, lấp ló sau những bức tường thấp hay qua hàng rào thưa làm cho tôi thích thú, và càng thích thú hơn khi được chị tôi dẫn đến khu Little Sài Gòn vào buổi sáng thứ Bảy.
Chúng tôi vào một cửa hàng "food to go" để mua chè và bánh trái, để tôi biết mùi quà Cali như những tin đồn. Hàng chè đông nghẹt người, đang bu quanh quầy chè và chỉ trỏ những món cần mua, ai cũng muốn mua trước, ai cũng muốn mua nhanh, chẳng xếp hàng thứ tự gì cả, cứ chen lấn mạnh được yếu thua, kẻ bán, người mua ồn ào như ong vỡ tổ, làm như sau một đêm ngủ dậy điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ là ra chợ mua chè, hay như họ phải ăn vì chiều nay tận thế.
Chị tôi ngao ngán lắc đầu định đi ra, nhưng tôi hăng hái giữ chị lại:
- Ðể em. Hồi ở Việt Nam, em từng chen lấn, giành giựt mua vé xe đò, xe lửa nên quen cảnh này rồi.
Nói là làm ngay, tôi xông vào đám đông, cũng xô, cũng đẩy, cũng hò hét và chẳng mấy chốc đã xách ra được một túi những hộp chè và bánh, làm chị tôi, dân Cali chánh gốc bấy lâu cũng phải ngẩn ngơ:
- Ði ăn mấy nhà hàng nổi tiếng vào ngày cuối tuần cũng đông như thế, nhưng còn xếp hàng thứ tự, còn cửa hàng này họ chen lấn ghê quá, thường thì chị đợi thưa người mới vào mua. Chẳng hiểu sao đi mua chè mua bánh mà họ cũng tranh giành, chẳng biết văn minh, lịch sự là gì cả. Nếu em để ý sẽ thấy mấy nhân viên của tiệm phải đứng cả vòng ngoài để canh chừng kẻ xấu thừa lúc đám đông ra tay ăn cắp vặt những món bánh trái bày la liệt trên quầy đấy. Những người này, có thể họ cũng biết xếp hàng chờ đợi ở chợ Mỹ, lịch sự lắm, nhưng đến chợ Việt Nam, lại hiện nguyên hình người Việt Nam khi xưa còn ở quê nhà.
- Gặp đồng hương với nhau nên tha hồ thoải mái mà chị. Em cũng thế.
Buổi chiều hai chị em vào một chợ Việt Nam to lớn khang trang, mua đầy một xe chợ, nhãn tươi ở đây rẻ quá, chỉ có $1.99 một "pound", vừa đẩy xe ra bãi đậu, tôi vừa ăn nhãn và thoải mái vứt vỏ và hột xuống đất, làm chị tôi giẫy nẩy lên:
- Kìa em, sao em lại xả rác ra đường thế?
Tôi ngạc nhiên:
- Chị xem, trước cửa chợ và bãi đậu xe của họ cũng toàn là rác, thì cần gì phải giữ gìn? Ðã thế rác ở đây còn nhiều hơn chợ Việt Nam chỗ em, chắc tại càng đông người thì càng lắm rác, hay Việt Nam mình có truyền thống ở dơ hả chị?
Chị tôi có vẻ không hài lòng:
- Ai bảo em là người Việt Nam mình ở dơ? Vô trách nhiệm thì có. Của mình thì giữ gìn, của công thì mặc xác. Em thử để ý đến những ngôi nhà của người Việt Nam xem, họ chăm sóc sân vườn trước sau, sạch sẽ, đẹp đẽ, lịch sự biết bao, họ khoe đẹp, khoe sang của chính họ, vậy mà đến nơi công cộng thì chẳng thèm ý tứ gì cả.
- Nhưng mà thêm một tí rác của em vừa xả ra cũng chẳng làm trầm trọng thêm, đằng nào cũng dơ sẵn rồi. Tôi cố bào chữa cho mình nhẹ tội.
- Ai cũng nghĩ như em thì đường phố sẽ biến thành núi rác mất.
Chị tôi qua Mỹ đã lâu, chắc sống theo kiểu Mỹ quen rồi. Khi vừa lái xe tới một ngã tư, trong lúc đợi đèn xanh, tôi ngó quanh bốn phía chỉ toàn thấy "đầu đen' Việt Nam ta, hiếm khi thấy người Mỹ trắng. Quả đúng như lời đồn, từ ngày người Việt Nam về đây mua nhà, mua đất, lập ra khu Little Sài Gòn, dần dần Mỹ trắng thấy bơ vơ, lạc lõng, nên bán xới nhà cửa đi nơi khác hết.
Vào khu Little Sài Gòn, đúng như tên gọi của nó là một Sài Gòn thu nhỏ lại, sự sinh hoạt, mua bán, ăn chơi cứ như bên quê nhà thuở nào, khối bà, khối cô còn mặc đồ bộ đi chợ hay ra quán trong khu Phước Lộc Thọ ngồi vắt vẻo ăn tô mì, tô phở, vừa ăn vừa sụt sùi vì nước lèo nóng và ớt cay.
Chị tôi chỉ một bà đội nón lá đang đứng chờ xe bus ở phía xa:
- Khỏi cần đến gần chị cũng biết đó là một bà Việt Nam chính gốc, chắc bà mới đi Việt Nam chơi, mang về Mỹ cái nón lá. Cũng may là bây giờ không còn mấy bà già nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại nhổ toẹt một bãi đỏ lòm xuống đất làm tụi Mỹ hết hồn.
Ðược dịp gặp cô em mới qua Mỹ chưa bao lâu, nên chị tôi kể thêm vài kinh nghiệm sống trên xứ Mỹ cho tôi học hỏi:
- Nhiều người Việt Nam vô trách nhiệm từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, chị có một bà bạn cũng sống ở Cali gia đình khá giả, nhưng lòng tham con người vẫn vô đáy, bà ấy chẳng bệnh tật gì cả, nhưng "hợp tác' với một bác sĩ vô lương tâm, giải phẫu nhỏ ở nách, để được chia 5,000 đồng, bác sĩ ăn bao nhiêu của hãng bảo hiểm không biết, nhưng chắc chắn không phải là ít. Sau đó hãng bảo hiểm sức khỏe tại hãng của bà ta phải tăng giá đồng loạt mọi công nhân, chỉ vì bà đã làm tổn thất cho họ. Bà bạn chị đã ân hận, kể cho chị nghe như một lời thú tội cho nhẹ lòng.
Dĩ nhiên dân tộc nào cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng người Mỹ thường thì vẫn thẳng thắn và trung thực, không biết những mánh lới, láu cá vặt như một số nhỏ người mình.
Tôi nhớ đến chuyện thằng con trai 8 tuổi của mình, một hôm nó mang về nhà tờ giấy của trường gởi cho cha mẹ học sinh, đọc xong và ký vào. Nhìn lá thư tiếng Anh tôi hoa cả mắt, chẳng hiểu gì, bèn làm bộ quát con:
- Mẹ bận lắm, con đọc rồi ký giùm mẹ luôn đi.
Cu Tí từ chối:
- Cô giáo nói cha mẹ đọc thư và ký vào, chứ không phải con.
- Mẹ đâu có thì giờ mà đọc cái lá thư tiếng Anh đấy. Con cứ ký vào, có gì mẹ chịu trách nhiệm.
Cu Tí vẫn cương quyết:
- Nếu bây giờ mẹ bận thì lát nữa mẹ đọc và ký vào. Mà nếu mẹ không hiểu được tiếng Anh thì con sẽ nói cho mẹ hiểu.
Thằng con sao mà đoán đúng tim đen của mẹ nó đến thế. Tôi đành chịu thua con mình, nó được giáo dục sự trung thực, không biết nói dối, dù sự nói dối vô hại.
Và có lần vợ chồng tôi và Cu Tí đi chợ, lúc về qua một bệnh viện, chồng tôi tiện thể ghé vào thăm một người bạn cùng hãng đang nằm trong đó. Mẹ con tôi ngồi ngoài xe đợi thì Cu Tí buồn đi tiểu, nằng nặc đòi về nhà. Tôi có thể dẫn con vào bệnh viện tìm một cái "rest room" không khó khăn gì, nhưng lười biếng ra lệnh cho nó.
- Chỗ này vắng, con ra gốc cây kia tiểu đi. Mẹ canh chừng cho.
Sợ thằng con chưa hiểu hết ý tiếng Việt Nam của mình, tôi lặp lại lần nữa:
- Con cứ ra chỗ gốc cây đi tiểu, có gì mẹ chịu trách nhiệm.
Cu Tí kinh hãi nhìn tôi:
- Không, con không thể làm điều đó.
Con tôi đâu hiểu rằng chuyện này thường tình ở Việt Nam. Nếu một ngày nào đó tôi dẫn Cu Tí về Việt Nam chơi, đi trên những đường phố Sài Gòn, giữa ban ngày ban mặt, người ta đi tiểu vào bờ tường, vào gốc cây. Không biết nó sẽ kinh hãi đến cỡ nào?
Cũng may, chồng tôi ra tới và thằng Cu Tí được về nhà đi tiểu cho đúng nơi, đúng chốn.
Chị tôi lại kể tiếp:
- Hôm nọ chợ Wal-Mart "on sale" giấy vệ sinh, mỗi người được mua 2 bịch, chị thấy nhiều người Việt Nam hớn hở cả nhà cùng đi chợ để thay phiên nhau vào mua giấy, thậm chí họ còn quay vào đợt hai nữa chứ. Trong khi người Mỹ, họ chỉ thản nhiên lấy đúng 2 bịch, và nếu không có nhu cầu người ta cũng chẳng cần mua dù đang giá rẻ.
Câu chuyện này làm tôi nhột thật sự. Không lẽ người Việt Nam có nhiều điểm giống nhau đến thế? Tôi đã từng mua đồ "on sale" kiểu đó, mỗi lần chợ Mỹ bán hạ giá đường 99 cents một bịch 4 pounds là tôi có mặt ngay, đường để lâu chẳng hư, chẳng cũ, giá rẻ tội gì không mua để dành? Họ hạn chế mặc kệ họ, chẳng ảnh hưởng gì đến tôi, vì tôi đã có cách, đi ra đi vào chợ mấy lượt để mua đường, dĩ nhiên mỗi lần ra tính tiền ở một quầy khác nhau.Vậy mà hấp ta hấp tấp, tôi đã vô lộn quầy lúc nãy, thằng tính tiền nhận ra tôi và không chịu bán, thế là tôi đành ấm ức bỏ lại bịch đường và lườm nguýt nó mấy cái trước khi rời khỏi chợ với lời thề không bao giờ thèm đến chỗ nó tính tiền cho bõ ghét.
Một tuần lễ sống ở Cali với gia đình người chị, tôi đã thấy nhiều cảnh đẹp, cảnh xấu, nhiều món ngon và không ngon. Người Việt Nam ở Cali và đất Cali không phải là thần thánh, là thiên đường mà đôi khi ở những tiểu bang khác người ta bắt gặp trong những lời quảng cáo đầy tự hào và khoe khoang như... Tại đây có bán chè Cali, giò lụa Cali, và đầu bếp từ Cali mới về v.v…?
Ở bất cứ nơi đâu, tiểu bang nào, thành phố nào cũng có người những Việt Nam tài giỏi, món ăn Việt Nam ngon, cứ gì phải ở Cali?
Và tôi đã học được ở chị tôi một điều quan trọng hơn, đó là cách sống và xử thế, dù với người bản xứ hay với chính đồng hương của mình.
Cũng giống như bà bạn thân của chị tôi đã hối hận kể cho chị nghe vụ gian lận tiền bảo hiểm sức khoẻ, tôi cũng huỵch toẹt luôn những chuyện đời tôi, chuyện thi nhau rửa bát trong hãng, chuyện tụ tập trong phòng nghỉ đè nhau ra cạo gió như cơm bữa, chuyện tôi tranh giành vào khám bác sĩ sớm hơn người khác dù họ là ông già bà cả và chuyện xả rác nơi chợ búa…
Chị tôi vừa buồn cười vừa trách:
- Em mới qua Mỹ mấy năm nên chưa quen hết cách sống ở Mỹ, từ giờ trở đi đừng làm thế nữa, mình hãy tôn trọng mình trước, đừng để kẻ khác bất chợt nhìn vào mà coi thường mình và cộng đồng Việt Nam của mình.
Tôi tạm biệt Cali và chị tôi, trong lòng còn mang theo cả một khu Little Sài Gòn của người Việt Nam ở California.
Và dù ở nơi đâu trên đất Mỹ này, có cộng đồng người Việt Nam đều có một Little Sài Gòn như thế, có những khu thương mại, chợ búa luộm thuộm, dơ bẩn hơn của Mỹ, có một số người Việt Nam láu cá, tham lam vặt vãnh, và sống thiếu văn minh lịch sự ngay tại một nước văn minh hàng đầu thế giới.
Trở về hãng làm việc lại, tôi vẫn làm bác sĩ gia đình cho các bà các cô khi cần viên thuốc, lúc cần cạo gió nhưng tôi không tụ tập nói xấu kẻ khác hay thi đua rửa bát đũa nơi bồn rửa tay làm ngứa mắt những đồng hương nghiêm chỉnh của tôi và của người bản xứ.
Có vài bà cùng phe với tôi trước kia lắc đầu và bĩu môi bĩu mỏ, chắc là cho tôi dở hơi sau một chuyến đi chơi xa về. Nhưng tôi chẳng cần để ý, khi nghĩ rằng rồi đây trong số những người Việt Nam sống thiếu văn minh, thiếu lịch sự sẽ bớt đi một người, và những cửa chợ hay bãi đậu xe sẽ bớt đi một tí rác nhờ tôi, là đủ vui rồi.